Tìm hiểu Kênh Rạch Nam Bộ

Ngày:22/07/2018 lúc 18:01PM

Mục lục [Ẩn]

Kênh rạch Nam Bộ

Đi trên những dòng kênh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tôi như nghe văng văng đâu đây câu hát quen thuộc trong bài “Con kênh xanh xanh” của nhạc sĩ Ngô Huỳnh:

Con kênh xanh xanh những chiều êm ả lướt trôi
Đêm đêm trăng lên theo dòng buồm căng gió xuôi
Con kênh xanh xanh những mùa sen nở khắp nơi
Bao câu tơ duyên dạt dào tim ai thắm tươi…


Kênh rạch ở miền Tây Nam bộ không những để tháo chua, rửa phèn, thoát lũ, tưới tiêu, làm đường giao thông thủy rất thuận lợi, mà còn mang tính chiến thuật, chiến lược quân sự, góp phần làm nên chiến thắng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Từ nhiều đời nay, kênh rạch ở Nam bộ được hình thành bởi thiên tạo và nhân tạo. Từ cuối thế kỷ 16, cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích cùng nhiều dân điền, thương lái, binh lính đã đào kênh làm đường thông thương ở vùng Hà Tiên, Rạch Giá, Long Xuyên, Cần Thơ. Giai đoạn đầu trong thế kỷ XVI đến năm 1698, từng nhóm nhỏ di dân người Việt ở miền Bắc, miền Trung đi lẻ tẻ vào theo hai hướng đường biển và đường bộ, chỉ dừng lại ở miền Đông khai khẩn những vùng đất cao ven sông, nơi có nước ngọt hay ở những vùng giáp ranh con nước ngọt-mặn mới có thể sinh hoạt và trồng trọt. Sau đó, những xóm, ấp khai hoang đất lầy để làm lúa nước tiếp tục đi vào miến Tây Nam bộ. Công cuộc khai hoang dưới triều Nguyễn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là tại vùng ĐBSCL. Diện tích canh tác tăng lên đáng kể, cảnh quan hoang vắng của đồng bằng đã chuyển thành một vùng cư dân sầm uất. Bên cạnh việc khai hoang lập ấp, một công cuộc nhân tạo không kém quan trọng là việc đào kênh, mở hệ thống dẫn nước vào các đồng ruộng, đồng thời tạo những con đường thủy thuận tiện cho việc di chuyển, buôn bán tại vùng ĐBSCL.



Con kênh được đào đầu tiên ở vùng ĐBSCL là kênh Bảo Định. Trước khi có con kênh này, tại đây đã đó rạch Vũng Gù ở về phía đông bắc, chảy từ sông Vàm Cỏ Tây đến quán Thị Cai; và rạch Mỹ Tho ở về phía nam, chảy từ chợ Lương Phú. Năm Ất Dậu (1705), theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu, Chính thống Vân trường hầu Nguyễn Cửu Vân đem quân tiểu trừ quân giặc ngoại xâm vùng Tây Nam bộ. Để đề phòng quân giặc tập kích, Nguyễn Cửu Vân cho đắp một phòng tuyến kéo dài từ quán Thị Cai đến chợ Lương Phú. Bên ngoài phòng tuyến, ông cho đào một con mương hào nối liền rạch Vũng Gù và rạch Mỹ Tho. Sau khi công trình đã được hoàn thành mỹ mãn, vua Gia Long đặt tên là kênh Bảo Định; và cho tạc sự kiện này vào bia đá dựng tại Thang Trông để “truyền mãi về sau”. Dưới thời Thiệu Trị (1841 - 1847), kênh Bảo Định được đổi tên là An Định; rồi Trí Tường. Nhưng dân gian vẫn quen gọi là kênh Bảo Định.

Năm 1819, sau khi đào xong kênh Thoại Hà, triều Nguyễn lại cho đào tiếp con kênh chạy dọc theo khu vực đường biên giới Việt Nam-Cam-pu-chia, nối Châu Đốc với Hà Tiên, sau được đặt tên là kênh Vĩnh Tế. Kênh Vĩnh Tế được khởi công vào năm 1819, dài gần 100km do Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) chỉ huy đào ròng rã 5 năm liền (1819-1824) với sự đóng góp công sức của hơn 80.000 dân binh. Khi hoàn thành, vua Minh Mạng (triều Nguyễn) lấy tên vợ của Thoại Ngọc Hầu là bà Châu Thị Vĩnh Tế, đặt tên cho con kênh có tầm vóc chiến lược này là kênh Vĩnh Tế.

Một số dòng kênh được đặt tên các anh hùng, liệt sĩ như: Anh hùng Dương Văn Dương (trước đó, dòng kênh dài gần xuyên suốt vùng Đồng Tháp Mười có tên là kênh La Grandière; sau khi ông Dương Văn Dương hy sinh tại Bến Tre, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truy phong ông hàm thiếu tướng và lấy tên ông đặt cho con kênh này là kênh Dương Văn Dương). Kênh Dương Văn Dương chạy song song với kênh Nguyễn Văn Tiếp (trước là kênh Cậu Mười Hai). Kênh Nguyễn Văn Tiếp cắt ngang Đồng Tháp Mười, nối liền sông Vàm Cỏ Tây với sông Tiền. Kênh Dương Văn Dương ngắn hơn, chạy tới Gãy Cờ Đen thì giao thủy với kênh Tháp Mười rồi ăn thông với Nguyễn Văn Tiếp. Kênh Dương Văn Dương qua huyện Tân Thạnh ( Long An) đưa nước ngọt sông Tiền nối thông sông Vàm Cỏ Tây. Huyện Tân Thạnh được hưởng lợi nguồn nước ngọt sông Tiền qua kênh trục chính Dương Văn Dương, hệ thống kênh cấp I cấp II và kênh mương thủy lợi nội đồng.

Hiện nay, vùng ĐBSCL có hơn 7.500 km kênh trục, sông ngòi, hơn 36.000 km kênh cấp 2 và kênh cấp 3. Kênh đào hiện có ở ĐBSCL ( từ kênh cấp 1 đến kênh cấp 3) đạt mật độ rất cao, tới 1,4 km kênh/ km2. Toàn vùng hiện có trên 100 kênh trục và kênh cấp 1, với tổng chiều dài trên 6.500 km, trong đó có nhiều tuyến kênh được bố trí xây dựng tuyến dân cư tránh lũ trên bờ kênh (Vĩnh Tế, T5, Tân Thành, Lò Gạch, Tân Châu...). Hệ thống kênh rạch ở vùng ĐBSCL có năng lực giao lưu nước lớn nhất vào mùa lũ 6.000 - 8.000 m3/s, giúp cho việc phân áp lũ chảy vào vùng trũng, có tác dụng điều tiết dòng lũ và giữ nước mùa khô.

Đến cuối năm 2007, toàn vùng đã hoàn thành gần 80 công trình thủy lợi trong số 105 công trình theo QĐ 99/TTg của Chính phủ, tổng trị giá hơn 4.500 tỉ đồng, chiếm gần 40% tổng vốn dự kiến đầu tư về xây dựng cơ bản thủy lợi ĐBSCL. Các công trình thủy lợi cấp bách triển khai theo QĐ 159/TTg đã hoàn thành và phát huy tác dụng rõ rệt, góp phần tiêu thoát lũ nhanh, bảo vệ mùa màng và tài sản nhân dân vùng ngập lũ. Kênh rạch ở ĐBSCL cần giải quyết sự đồng bộ của 4 tác dụng: Tưới, tiêu, nuôi trồng thủy sản, giao thông và xả lũ. Trong những năm gần đây, “văn minh kênh rạch” Nam bộ đã trở thành chủ đề trao đổi, luận bàn và không ít hứng khởi đối với du khách trong nước và nước ngoài. Về miền Tây Nam bộ, du thuyền và chèo xuồng lướt trên những dòng kênh quả là thơ mộng biết bao. Chính vì vậy, có người nói: “ Không có nét riêng kênh rạch chằng chịt thì mất đi gần một nửa khách du lịch về với ĐBSCL”

Sau Hội thảo về tiểu dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mời một số nhà khoa học tham gia hội thảo: “Góp ý cho quy hoạnh phát triển thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020”. Việc tăng cường các biện pháp thủy lợi bằng đào kênh mới, nạo vét kênh cũ đều nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL trong thời kỳ đổi mới. Kết quả tính toán nhu cầu nước cho nông nghiệp cho thấy ĐBSCL cần từ 18 đến 20 tỉ mét khối nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2010, lớn hơn nhiều so với dự báo về nhu cầu nước của ngành thủy sản là 13,5 triệu mét khối. Phương án mà được lựa chọn là sẽ đầu tư thêm 141 công trình thủy lợi nhằm kiểm soát lũ, kiểm soát mặn... với vốn đầu tư ước tính 20.890 tỉ đồng. Trước mắt, Chính phủ đã có Quyết định số 84/2006/QĐ- TTg phê duyệt tổng mức vốn đầu tư ước tính khoảng 14.000 tỉ đồng từ nay đến năm 2010. Những dòng kênh Nam bộ đang được “hệ thống hóa” trong các quy hoạch tổng thể và nhiều dự án quan trọng, nhằm phát triển và khai thác tối đa hệ thống giao thông đường thủy, tháo chua, rửa phèn, ngọt hóa nhiều vùng đất canh tác, thoát lũ, xả lũ, nuôi trồng thủy sản và phục vụ đời sống của hơn 7 triệu dân vùng ĐBSCL.

Nguồn: Bùi Văn Bồng

  • Vận chuyển: toàn quốc, Khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận Giao máy bay, chiều gửi, sáng hôm sau nhận.
  • Thanh toán: QR, Thẻ tín dụng, COD, ATM
  • Hotline: 0938711019 - 0916853968
  • KH sỉ, nhà hàng: 0938711019

KHÔ CÁ LÓC - MÓN ĂN BÌNH DỊ THẤM ĐẪM TÌNH QUÊ

LIÊN HỆ MUA HÀNG

Admin
Top